Cứ đến ngày Tết ông Công ông Táo là người Việt sẽ làm lễ cúng và phóng sinh cá chép đưa ông Táo về trời. Vậy tục phóng sinh cá chép ngày Tết ông Công ông Táo có ý nghĩa như thế nào?
Hàng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp, khi không khí mùa xuân đang náo nức đổ về trên mọi miền Tổ quốc, người dân Việt Nam lại chuẩn bị mâm cơm cúng tiễn ông Táo về trời (Tết Táo Quân, Tết ông Công…). Đây là một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam được lưu truyền trong dân gian từ nhiều đời nay.
Người Việt tin rằng, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo chuyện bếp núc, và mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Đến Giao thừa, Táo quân trở lại hạ giới để tiếp tục công việc của mình.
Từ ngày xửa ngày xưa, khi con người vẫn còn sống theo lối du mục, rồi định cư trồng lúa, làm nương, tức là lúc con người biết nấu nướng, làm chín thức ăn, con người đã tin rằng luôn có một vị thần bếp canh giữ, và ban may mắn cho gia đình. Vị thần bếp đó chính là Táo Quân.
Vì Táo Quân quanh nằm ở trong bếp nên biết hết mọi chuyện xảy ra, dù chuyện tốt hay chuyện dở. Với mong muốn Thần Bếp sẽ “phù hộ” cho gia đình mình được nhiều may mắn, nên hàng năm Tết đến, người ta thường làm lễ tiễn đưa Táo Quân chầu trời một cách long trọng.
Cá chép là phương tiện duy nhất có thể đưa Táo Quân về trời. Bởi thế, vào ngày này, sau khi làm lễ xong, các gia đình đều cúng con cá chép rồi đem ra sông hay ra ao thả, ngụ ý “cá hóa long”, nghĩa là cá sẽ hóa rồng, vượt vũ môn, làm phương tiện cho Táo quân cưỡi về trời.
Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, “cá vượt Vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp.
Phóng sinh cá chép ngày Tết ông Công ông Táo không chỉ là một nét đẹp văn hóa, đồng thời còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt Nam.
Mâm lễ vật chuẩn bị cho cúng Ông Táo.
Bàn thờ Phật gồm: hương hoa, trái cây, đèn nến, nhang trầm nguyên chất (nếu có), thức ăn chay thanh khiết (cơm, xôi, chè, bánh mứt,… không có thức ăn xào, kho, chiên,…)
Bàn thờ ông Táo tại bếp (Nếu chưa có thì bày lễ vật vào một mâm riêng cúng tại Bếp): Hương hoa, đèn nến, trầu cau, trà, nước uống, bánh kẹo, trái cây, thức ăn chay… Có thể có thêm cá chép sống để thả sau khi cúng.
Sau khi bày lễ thì đốt nến (đèn), thắp nén nhang trầm lên bàn thờ Phật, bàn thờ Gia tiên(nếu có) và đến bàn thờ ông Táo thành kính chắp tay khấn nguyện.
VĂN KHẤN CÚNG 23 THÁNG CHẠP
(Lời khấn cho lễ cúng đưa ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp)
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật
Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát
Nam Mô Hộ Pháp Chư Thiên Bồ Tát
Hôm nay là ngày 23 tháng Chạp năm………
Tín chủ (chúng) con……………………….
Ngụ tại :……………………………………………
Chúng con thành tâm thiết lễ hương hoa lễ vật dâng cúng. Chúng con thành tâm thỉnh mời Mười Phương Chư Phật, chư Đại Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng các bậc thành hiền cùng chư vị thiện thần Hộ Pháp và chư vị Thổ thần, Táo quân lai lâm chứng giám cho chúng con.
Một năm cũ sắp qua, năm mới sắp đền, ngưỡng nguyện Mười phương Tam Bảo, Long Thần Hộ Pháp, Chư vị Thổ Thần, Táo quân từ bi gia hộ cho năm mới gia đình được bình yên và ổn định trong cuộc sống.
Chúng con cũng nguyện Mười Phương Tam Bảo phóng ánh sáng bảo liên phù hộ cho những chú cá này cùng bao thú vật khác sớm thoát khỏi thân phận cầm thú thấp hèn, giết hại, chờ duyên phúc tái lai một lòng theo Phật pháp. Nguyện hồi hướng công đức này cho Ông bà Tiên linh nội ngoại, cửu huyền thất tổ được ấm no an lạc; cho gia quyến bệnh tật tiêu tan, ách nạn qua khỏi
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Sưu Tầm (Baomoi)